GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH THAM GIA HỘI THẢO HÓA HỌC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LẦN THỨ 4, NĂM 2018

Ngày 27/7/2018, Trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức Hoá học vì sự phát triển bền vững, lần thứ 4 năm 2018

 

Nhằm thông báo những kết quả nghiên cứu, xây dựng mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau hoàn thiện đề tài, ứng dụng các nghiên cứu vào cuộc sống.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

Hội thảo quy tụ hơn 60 báo cáo khoa học của các nhà khoa học có chuyên môn sâu đến từ các trường ĐH, Viện nghiên cứu trong cả nước như: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, trường ĐH Cần Thơ, Trường Đại học Quảng Bình, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, trường ĐH Khoa học-ĐH Huế, trường ĐH Trà Vinh, Viện Công nghệ Hóa học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, … Ban tổ chức đã chọn lọc 42 tham luận phù hợp với tiêu chí hội thảo để tập hợp thành kỷ yếu giới thiệu tại hội thảo và 20 bài báo được đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, số 3 (38) 08 – 2018 trong đó có bài của nhóm tác giả Nguyễn Mậu Thành, Trần Đức Sỹ đến từ Khoa khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Quảng Bình.

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo

Hội thảo là diễn đàn giới thiệu các hướng nghiên cứu và những kết quả nghiên cứu mới thuộc lĩnh vực khoa học Hóa học, đặc biệt là các công trình nghiên cứu có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống và sản xuất; đồng thời tăng cường trao đổi thông tin về các giải phát nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu về Hóa học. Cụ thể: Tham luận “Metal organic frameworks (MOFs): Synthesis and Application” của PGS. TS. Đinh Quang Khiếu; Tham luận “Tổng hợp hệ nanogel heparin-pluronic p123 mang thuốc cisplatin” của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Thể, Nguyễn Thị Bích Trâm, Trần Ngọc Quyển; Tham luận “Hydrolysis of Biologically Relevant Model Systems by Metal-substituted Polyoxometalate Complexes” của TS. Lương Thị Kim Nga; Tham luận “Phương pháp rắn tổng hợp vật liệu carbon dots đồng pha tạp N và S để phát hiện ion Ag+ (Solid-state synthesis of highly fluorescent N and S co-doped carbon dots for Ag+ detection)” của TS. Đặng Đình Khôi; tham luận “Xây dựng quy trình chiết xuất nọc ong (apis mellifera) và đánh giá tác dụng dược lý theo định hướng sử dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp” của nhóm tác giả PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai và Lê Hữu Thọ. Hay “Xác định hàm lượng chì trong thịt một số loài cá ở khu vực sông Kiến Giang huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử” của nhóm tác giả Nguyễn Mậu Thành, Trần Đức Sỹ.

ThS. Nguyễn Mậu Thành tham gia và báo cáo tại hội thảo

Cùng với các báo cáo, các đại biểu đã trao đổi các hướng nghiên cứu và những kết quả nghiên cứu mới của khoa học Hóa học; các công trình nghiên cứu có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống thuộc các lĩnh vực trọng yếu như: công nghiệp dược phẩm, công nghệ hóa học với ứng dụng công nghiệp, công nghệ và vật liệu môi trường…; một số giải pháp về tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và phát triển ngành Hóa học trong trường đại học; các vấn đề và giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực Hóa học trong cả nước. Những nội dung được công bố, trao đổi tại hội thảo đã góp phần cung cấp những phương án, giải pháp phù hợp với chương trình đổi mới đào tạo; đồng thời giúp cho cán bộ giảng viên tham dự Hội thảo được tiếp cận những thành quả và kinh nghiệm trong nghiên cứu Hóa học hiện đại. Bên cạnh đó, những gợi mở, kiến nghị, đề xuất tại hội thảo này sẽ mở rộng tầm nhìn, đem lại cảm hứng sáng tạo và nguồn thông tin khoa học phong phú trong công tác nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Hóa học của Nhà trường…